Văn bản nội bộ
TƯ VẤN TRỰC TUYẾN
(0257) 3861 320
Thư viện ảnh

Góc đời sống
Xem tất cả
Thống kê truy cập
  • Đang online 3 người
  • Tổng số truy cập 102058 người

NỖI NIỀM CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN NGHỀ- NGHỀ THẦY THUỐC
Một năm rồi một năm nữa, mùa xuân đến rồi lại ra đi và cứ đến rồi đi theo quy luật muôn đời của nó để cho cây thêm một mùa trỗ lá, hoa cho thêm một mùa mật ngọt và người thêm một tuổi đời đi qua... Khi tuổi đời thêm lên thì tuổi nghề cũng cộng lại để cho bao nỗi niềm buồn vui, bao khoảnh khắc đời thường, bao góc khuất cuộc sống hoà chung theo giai điệu thăng trầm mà mỗi một ai, mỗi một ngành nghề nào cũng có, cũng thẩm thấu để thấy mình lớn lên, mình trải nghiệm thêm mà trường đời đã không uổng công trao tặng...

Cứ mỗi ngày 27/2 về, ngày mà nghề thầy thuốc được nhận lời tri ân, được xã hội nói lời tôn vinh và chính bản thân thầy thuốc tự nhìn nhận lại mình, nhìn nhận chuyện nghề, chuyện đời với bao nỗi niềm, với bao hoài cảm ân tình, chia sẻ buồn vui. Ngành nghề nào cũng có vui có buồn, có lúc trầm lúc thăng mà với ngành y thì buồn vui thăng trầm là điều càng không tránh khỏi; một người bệnh ra đi dù đã cố hết sức cứu chữa cũng là điều ám ảnh không nguôi, một ca bệnh thập tử nhất sinh được cứu sống thì phiền muộn nào cũng đi qua để đắp thêm niềm vui, niềm hạnh phúc nho nhỏ mà mình góp sức cho đời.

Một khi đã tự nguyện bước chân vào ngưỡng cữa ngành y là tự nguyện và chấp nhận phải đánh đổi về thời gian, tuổi trẻ và tiền bạc. Thời gian học phải nhiều hơn, tuổi trẻ ngắn lại hơn và tiền bạc sách vở tốn kém hơn, kể cả cơ hội giàu sang nghề y mấy ai có được, nhưng tình yêu nghề và niềm tự hào thì luôn tồn tại và lớn mãi theo thời gian. Đánh đổi nhiều là vậy nhưng đã theo ngành y thì phải chấp nhận con đường gian nan, vất vả mà không tính thiệt hơn để mong mỏi được sự cảm thông, chia sẻ thật sự của người bệnh, của xã hội như thầy thuốc hết lòng đau nỗi đau người bệnh, thuơng niềm thương như với người thân...

Sang trọng là vậy, nhất y nhì dược tạm được bách khoa là vậy, nhưng trong chiều sâu tình cảm đời người thì biết bao trăn trở, biết bao âm thầm trải qua. Những góc khuất cuộc đời mấy ai thấu hiểu, những nỗi niềm nghề nghiệp với bao đêm trực thức suốt năm canh để ấm lòng chỉ tô mì tôm tôi nửa, anh nửa và ly cà phê a ngụm tôi ngụm để lấy lại sự tỉnh táo cân bằng cho công việc ngày mai...Thầy thuốc phải dành rất nhiều thời gian cho bệnh viện, cho việc học tập chuyên môn và kỹ năng thực hành; cứ sáng mở mắt ra là thấy bệnh viện, chiều nhắm mắt lại là thấy bệnh nhân. Bởi vậy không còn một chút thời gian cho bản thân, cho gia đình, cho những mối quan hệ và những buổi tiệc mừng giao lưu...
 

Người thầy thuốc thường xuyên không có được giấc ngủ ngon, không được bữa cơm đầm ấm bên gia đình mà còn nhận rất nhiều sự rủi ro trong nghề nghiệp, cả những xỉ vả và quát tháo từ bệnh nhân, thậm chí xung đột và kiện tụng thì ngày càng nhiều hơn. Đúng sai là của hai thái cực của cuộc sống nhưng là quy luật của mọi ngành nghề, dù cho tỷ lệ tiếp xúc người bệnh là cao nhất trong mọi ngành nghề mà tỷ lệ an toàn phải thấp nhất- âu đó cũng là đặc thù nghề nghiêp mà đời đã ban tặng cho ta. Tác nghiệp nghề thầy thuốc không như luật sư hoặc nhà hành pháp để phân nhẽ đúng sai, cũng không thể như thầy giáo để giáo điều dạy dỗ và càng không là nhà truyền giáo để rao giảng về đạo đức tâm linh. Thầy thuốc phải là thực tế dù thực tế đó có phũ phàng; khi biết, khi làm mà vẫn vô vọng, khi cái hiện tại chưa xong thì phải tiên lượng đón trước điều gì sắp xảy ra nữa...chỉ một chậm trễ là phải đánh đổi bằng sinh mạng người bệnh và bằng uy tín cả bao năm chăm bón. Có lẽ ấy cũng là một trong những điều thiêng liêng nhất đã mặc định cho nghề thầy thuốc từ ngàn xưa.


Người thầy thuốc dành nhiều thời gian cho gia đình thì có lỗi với người bệnh mà dành nhiều thời gian cho người bệnh thì lại có lỗi với gia đình. Cực khổ là vậy mà ngành y chỉ có đúng một ngày được xã hội tri ân và vinh danh cho mình và chỉ tích tắc sau đó là lại phải đối mặt với biết bao nhiêu cực khổ, áp lực, sự hy sinh, sự đánh đổi... Dù vậy thì người thầy thuốc vẫn luôn nhẹ nhàng, thân thiện và hết lòng, hết sức cứu chữa người bệnh, thậm chí không tiếc cả những giọt máu của mình để cứu người. Mong rằng ngày nào cũng là một ngày đầy ý nghĩa với các thầy thuốc như ngày 27/2 và mong rằng có thêm nhiều ngày xã hội nhìn nhận nghề thầy thuốc như hôm nay bởi thầy thuốc luôn là biểu tượng của sự tin cậy, niềm hy vọng và sức khỏe của biết bao người.

Là thầy thuốc, là đồng nghiệp và ai cũng đã từng hơn một lần là bệnh nhân nên thầy thuốc chúng tôi luôn thấy, luôn biết đau nỗi đau người bệnh, thương niềm thương người nhà và cùng chia sẻ những được-mất, còn - không... Vì người thầy thuốc, nghề thầy thuốc như chiếc phao cuối cùng nên dù trong hoàn cảnh nào thì cũng phải hết lòng, hết sức với bệnh nhân...

Một ngày 27/2 nữa lại về, về rồi lại đi nhưng lời chúc thì luôn còn đọng lại. Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin gửi những dòng tâm sự cùng với lời chúc đến các thế hệ thầy thuốc, đến các bạn đang công tác lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công. Cho dù công tác ở lĩnh vực nào, ở đâu, cương vị gì thì người thầy thuốc, nghề thầy thuốc cũng luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của ngành, luôn xứng đáng với sự trân trọng và tôn vinh của xã hội: "Thầy thuốc như Mẹ hiền".
(Thanh Tùng)